THUYẾT KINH QUY TÂM MẸ ĐỊA MẪU

THUYẾT KINH

QUY TÂM MẸ ĐỊA MẪU

Ý NGHĨA NGUỒN GỐC

ĐỊA MẪU CHƠN KINH & QUY TÂM PHÁP

Biên Soạn

LỮ TRUNG DUNG

THUYẾT KINH QUY TÂM MẸ ĐỊA MẪU

LỜI NÓI ĐẦU

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có Mẹ sinh ra, vì Mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ các con trưởng thành. Nên được ví “Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, để thấy rõ tình yêu thương của Mẹ bao la như biển cả, và có thể nói “Mẹ là khởi nguồn của sự sống”.

Theo quy luật của tạo hoá, những người Mẹ trong hiện tại đều có những người Mẹ khác ở quá khứ. Và cứ như thế, nếu quay ngược về cội nguồn, thì ta sẽ thấy bắt đầu từ một người Mẹ. Đến đây, dần làm sáng tỏ gốc gác tổ tiên loài người hay vạn vật, sinh linh muôn loài, đều nằm trong Quả Địa Cầu này. Như Kinh Sách có ghi, Quả Địa Cầu được tạo ra từ Mẹ Quả Đất hay Mẹ Đất, đều là những tên gọi dân gian nhưng có cùng một hồng danh, đó là Mẹ Địa Mẫu. 

Như vậy, chúng ta đang có chung một người Mẹ quyền lực nhất. Bởi chính Mẹ đã khai thiên lập địa, tạo ra toàn nhân loại, vạn vật. Là đấng sinh thành, nuôi dưỡng cả vũ trụ bao la và tất cả chúng sinh. Điều này, minh chứng, Mẹ Địa Mẫu đã xuất hiện từ rất lâu đời. Nên ngày xưa coi trọng việc thờ phụng, để tưởng nhớ công ơn Mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng muôn loài. Từ đó, chúng ta mới có truyền thống, thờ cúng tổ tiên như ngày nay.

Nhờ tâm tròn sáng, Đại Từ Đại Bi của Mẹ, đã giúp cho các bậc, hiền thần, thánh nhân cùng tiếp nối theo con đường tu tâm dưỡng tánh, hành đúng những lời Mẹ truyền dạy. Đến khi các Ngài đắc thành chánh quả, Mẹ sẽ sắc phong tước phẩm như Thánh, Thần, Phật,..tuỳ vào thành tích của các Ngài khi còn tu tập. Nên người đời, tôn vinh Mẹ là Mẫu với các hồng danh khác nhau, nhưng tất cả cùng mang một ý nghĩa, là Mẹ của bậc Đấng Tối Cao trong Tâm Linh.

Sau một thời gian, học theo Quy Tâm Pháp, tôi cảm nhận được cuộc sống của mình trở nên nhẹ nhàng, gia đình nhỏ của tôi càng thêm đầm ấm. Nhờ có những cảm xúc ấy, đã giúp tôi viết lên ca khúc TẠ ƠN MẸ ĐỊA MẪU (đã được Cục Bản Quyền Tác Giả tại Hà Nội cấp vào ngày 22/05/2020 theo số 2920/2020/QTG cho tác giả Lữ Trung Dung, đồng thời là chủ sở hữu bài hát) để bày tỏ lòng tri ân của mình, nên tôi đã thành lập Trang Fanpage Tạ Ơn Mẹ Địa Mẫu để chia sẻ Thuyết Kinh Quy Tâm Mẹ Địa Mẫu được rộng rãi.

Bởi Mẹ Địa Mẫu từng dạy: “Mẹ luôn âm thầm và theo dõi hành trình các con qua nhiều đời, nhiều kiếp tái sanh. Và cũng đã chứng kiến rất nhiều cảnh, vai tuồng, tính cách khác nhau của các con ở trần gian. Mỗi người con khi tái sanh, đều không thể thoát vòng luân hồi sanh tử, chưa kể đến phải chịu nhiều chi phối bởi cuộc sống vật chất, tiền tài, tình cảm và oán hận. Nhìn thấy các con đang sống trong Mê Lầm lạc lối, Mẹ đau lòng xót dạ khi thấy các con vẫn chưa thoát khỏi biển khổ trầm luân của thế gian. Từ đó, mà Mẹ thị hiện ra các hình tướng khác nhau để khuyên dạy và giúp đỡ các con có Đức Tin mà trở về Quy Tâm với chính mình. Chỉ có con đường ấy, mới giúp cho các con thoát khỏi chốn bụi trần mà toàn tâm trở về thế giới an lạc.”   

Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn Quý Thiện Nhơn và Quý Đạo Hữu đã tham gia hỗ trợ, góp sức xây dựng hình ảnh Mẹ Địa Mẫu ngày càng được lan toả. Kính chúc cho tất cả mọi người luôn có một cuộc sống an nhiên và hạnh phúc. 

Lữ Trung Dung

 

Ý NGHĨA NGUỒN GỐC ĐỊA MẪU CHƠN KINH

LỜI GIỚI THIỆU

Trong dân gian có câu: “Cha Trời – Mẹ Đất” được hiểu Trời là Cha, hay còn gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, đại diện cho chơn khí dương, là Đấng Hóa Sinh, tạo ra sự xoay chuyển trong không gian và thời gian. Còn Đất là Mẹ, hay còn gọi Địa Mẫu, đại diện cho chơn khí âm, sẽ kết hợp cùng chơn khí dương để sanh ra muôn loài vạn vật.

Cho nên từ ngàn xưa đến nay, việc thờ Mẹ Địa Mẫu là hiện tượng khá phổ biến và lâu đời nhất trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Có thể ở mỗi vùng miền, quốc gia hay các tôn giáo khác nhau sẽ có những tên gọi riêng nhưng chung quy tất cả cũng chỉ là MỘT. 

Ý NGHĨA NGUỒN GỐC 
ĐỊA MẪU CHƠN KINH

Từ xa xưa, Vua Bàn Cổ là vị Đế Vương đầu tiên, vinh danh Mẹ Địa Mẫu với phẩm tước Phật Mẫu ở bậc Đấng Tối Cao, Tối Thượng. Ngoài ra, trong Kinh còn lưu truyền rằng Mẹ đang ngự trên cung Diêu Trì nên từ đó mới có hồng danh là Diêu Trì Phật Mẫu

Vì vậy, muốn có phẩm hạnh đạo đức tốt thì phải siêng năng đọc và trì Kinh Địa Mẫu, sau mới bước vào con đường Tu Đạo Hạnh. Để con đường tu đạo được mở rộng, phải luôn nghĩ tới và hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh, cho nên cần phải cầu xin cha Ngọc Hoàng hoan hỉ xá tội cho chúng sanh và khấn nguyện Mẹ Địa Mẫu giúp cho muôn loài được an nhàn trường cửu, thì con đường tu đạo mới đắc thành. 

Và kể từ đây, những nghi vấn trong tự nhiên dần được giải đáp… 

1. Điểm Xuất Phát Của Trời Đất

Từ lúc ban sơ, trên mặt đất và bầu trời là một màu tăm tối mù mịt, trời đất không định rõ phương hướng và thời gian. Mẹ Địa Mẫu mới phân ra trời là dương, đất là âm. Khi ấy, hai luồng khí âm dương giao cảm, quấn tròn vào nhau, tạo ra bầu khí quyển mang sinh khí cho vạn vật. Tiếp đến, mới hoá sanh ra loài người. 

Trong càn khôn vũ trụ, Mẹ quản ba ánh sáng : Tinh, Nhật, Nguyệt và gồm bốn phương chánh trụ: Đông, Tây, Nam, Bắc. Kết hợp với Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam thành tám hướng, để giúp con người định vị các hướng ở mặt đất. Còn lại trên cao không trung được gọi là trời. Vì thổ khí là đại diện cho Mẹ Địa Mẫu nên những ngày có thiên can Mậu, Kỷ được chọn là ngày tưởng niệm về Mẹ bởi Mẹ bao dưỡng cho tất cả muôn loài trên trái đất, từ thời khai thiên lập địa cho đến nay. 

2. Loài Người Đầu Tiên Được Sanh Ra

Theo Kinh sách ghi lại, được dựa trên 10 thiên can và 12 địa chi, kết hợp giữa linh khí âm dương của Trời và Đất, giao cảm hợp thành, tạo ra một luồng chơn khí vô cùng tinh anh, và từ đó thánh thai mới được hình thành, rồi Mẹ truyền điển chơn tánh hiền lành sang, nên loài người khi ấy rất thuần khiết và lương thiện. Sau đó, thân Mẹ cưu mang luồng chơn khí ấy trong suốt 10 năm, mới hóa sanh ra loài người đầu tiên. 

Là 6 vị thánh đế minh quân lần lượt xuất thế theo thứ tự: thứ nhất vua Thiên Hoàng, thứ hai vua Địa Hoàng, thứ ba vua Nhơn Hoàng, thứ tư vua Phục Hy, thứ năm vua Thần Nông và thứ sáu là vua Hiên Viên. Cứ như thế, con người bắt đầu có vòng luân hồi, xoay chuyển mãi không dừng. Cho nên, có thể nói các vị vua hiền chúa thánh, cũng đều do Mẹ Địa Mẫu tạo ra.  

3. Người Tìm Ra La Bàn, Lương Thực Và Y Phục

Phải kể đến 3 vị thánh đế đã có công khai mở cho loài người. Bắt đầu từ vị thứ tư, vua Phục Hy, đã tìm được sự biến hóa của Trời Đất, tạo ra cách tính thời gian, âm dương ngũ hành. Đồng thời, Ngài dựa trên hai khí âm dương có trong càn khôn vũ trụ và bốn phương tám hướng trên mặt đất, để tạo thành Bát Quái Tiên Thiên, hay còn gọi là La Bàn. Đến vị thứ 5 là vua Thần Nông, đã tìm thấy được các loại ngũ cốc và sáu hạt giống lương thực đa dạng. Sau cùng, vị thứ 6 là vua Hiên Viên, đã nghĩ ra cách làm nhiều y phục với những vật dụng cần thiết cho người đời, chẳng sót món nào.

Nhờ hai đời vua Thần Nông và Hiên Viên mà muôn dân có được cơm ăn áo mặc. Tất cả, đều nhờ công ơn của Mẹ Địa Mẫu đã âm thầm trợ giúp cho mùa màng, đất đai được tươi tốt. 

4. Địa Mẫu Chơn Kinh Được Mẹ Giáng Truyền

Vào thời nhà Thanh, vua Quang Tự, lên ngôi đến năm thứ 9. Nhằm ngày mùng Chín, tháng Giêng âm lịch tại Miếu Bà, phủ Hớn Trung, huyện Thành Cố, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc có ghi rõ, Phật Mẫu đang ngự trên chim Loan hiện xuống và truyền dạy Kinh này.  

Trong nhiều kiếp tái sanh của các chư Phật, Bồ Tát cũng đều nằm trong thân Mẹ, chẳng có vị nào lìa xa. Thậm chí ở khắp hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trên đất liền hay các xứ sở bao trùm bốn biển, có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và tám tiết trời với kênh rạch, sông hồ, biển sâu, núi cao, rừng thẳm, cổ thụ ngàn năm. Kể cả các đời Đế Vương đại danh, lớn bé trong cung điện cho đến 72 vị thần trông coi đời sống cho chúng sanh. Hay năm loại ngũ cốc và sáu hạt giống lương thực tươi xanh, cây cối và muôn loài, động vật, cũng đều do Mẹ tạo ra. Từ đó mà sử sách có câu: “Sanh tại thế, tử hườn tại thế”, có nghĩa là con người khi sanh ra, nhờ thực vật Mẹ ban mà trưởng thành. Lúc chết đi, thân xác chôn dưới đất, cũng trở về trong thân Mẹ. 

Những phẩm tước trước sau của các bậc Thần, Tiên, Thánh hay những Hiền Tử lớn nhỏ cũng đều được Mẹ sắc phong. Hoặc với các chư Phật có kim thân bất hoại, nghĩa là sau khi các Ngài viên tịch, thân xác còn nguyên vẹn nên hình tướng ấy sẽ được giữ lại để thờ cúng ở những nơi linh thiêng. Tất cả cũng nhờ có Mẹ chứng quả nên mới đắc thành chánh giác. Sự chứng quả đó, còn quý hơn cả trân châu, bửu ngọc ở bốn phương trời. Cho dù có làm tốt đến mấy nhưng nếu, thiếu đi sự công nhận của Mẹ thì đâu thể đắc thành sở nguyện được. 

Hãy nhìn lại mà xem trong các vương quốc lớn nhỏ, hay các Đế Vương, nếu thờ Mẹ với sự trang nghiêm và tôn kính thì sẽ được ban ơn thịnh quốc. Còn nước nào ỷ thế hà hiếp, áp bức, Mẹ sẽ chuyển phạt nên mới có cảnh, quan quân tranh đấu khởi nghĩa. Cho nên những nơi như Am tĩnh, Quán xá, Thư viện, Lâu đài ở các Phủ, Huyện, Quận, Châu, có những cuốn Kinh được sao chép đều trích từ văn tự gốc của Mẹ, mới có những lời hay ý đẹp. 

“Để nuôi dưỡng các con, Mẹ ban rất nhiều lúa gạo, bông hoa, cây trái, đủ thứ rau củ quả hay các gia vị thường dùng như chua, ngọt, đắng, cay có cả đường, hành tỏi, tiêu ớt với hẹ, củ nén, kiệu và gừng. Biết một số nam nữ kén chọn khẩu vị, nên Mẹ tạo thêm dầu, tương, muối, giấm để cho các con dùng cho vừa miệng. Cả thắt lưng, vải thô, trang sức, lụa là,…cũng do Mẹ ban cho, vạn sự đều được Mẹ lo và vun dưỡng trưởng thành. 

Mọi thứ Mẹ tạo ra, Mẹ luôn hết lòng chăm sóc và tái tục kể cả tiền bạc và những vật dụng khác cho các con. Ngay cả có những chứng bệnh lạ sanh ra ở con nít, đàn bà hay đàn ông, Mẹ cũng nghĩ ra nhiều phương thuốc để giúp các con phòng ngừa và điều trị. Công lao ấy, không có bút mực nào tả xiết. Nơi Quả Địa Cầu này, Mẹ tích trữ rất nhiều lương thực, thực phẩm và ban nguồn tri thức dành cho 6 cõi luân hồi gồm Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Địa Ngục, Atula, Cõi Người và Cõi Trời để tìm hiểu và dùng chẳng bao giờ cạn.

Sử sách còn có câu: “Phụ Mẫu ái tử chi tâm, vô sở bất chí”, nghĩa là: “Tình Mẹ thương con cho dù khổ cực đến mấy, Mẹ cũng không quản ngại. Mẹ đã dồn hết lực vào các con như thế đó. Vậy mà chẳng thấy các con nhớ ơn hay biết kính trọng đến người Mẹ này?” 

5. Đằng Sau Những Giọt Mưa

Hầu như khắp chốn thế gian chỉ biết Trời là lớn hơn hết, chớ nào có ai biết đến Mẹ. Thế nhưng, ít ai biết rằng Mẹ Địa Mẫu và Cha Ngọc Hoàng đều đồng nhất thứ. Cho nên hễ trên Trời có mưa đổ xuống, thì dưới Đất sẽ sanh ra các loại ngũ cốc đầy đồng. 

Thật sự chẳng ai biết nguồn gốc, những giọt mưa ấy là được hút trong “cốt thuỷ tinh vi của Mẹ”, có nghĩa lấy từ nguồn nước tinh tuý trong thân Mẹ chiết ra. Sau đó, mới hóa lên không trung, kết tụ lại thành từng đám mây, khi gặp luồng điện quang chiếu vào, sẽ phát ra tiếng vang lớn, thường gọi là sấm sét. Lập tức, liền tan thành hơi và hòa lẫn vào trong không khí. Hỗn hợp khí đó sẽ kết dính, tạo thành những giọt nước, rồi rơi xuống mặt đất, đó chính là mưa. Hiện tượng ấy, dần trở nên quen thuộc và không thể thiếu trong tự nhiên. Các sông ngòi, hồ, suối cũng được hình thành từ đây.

Người xưa cho rằng: mưa, sông, suối đều do thần Rồng tạo ra. Nên nơi nào có thần Rồng xuất hiện, ẩn hình trên đám mây, thì nơi đó sẽ đổ mưa, nhưng không ai biết, Ngài cũng là một trong những vị thần do Mẹ tạo ra, để cai quản nguồn cốt thuỷ tinh vi của Mẹ, giúp cho muôn nơi có được mưa thuận gió hòa.

6. Lời Giáo Huấn Của Mẹ Địa Mẫu

Bao nhiêu nhọc nhằn cay đắng Mẹ âm thầm chịu đựng, nhưng người đời mấy ai hiểu thấu. Mẹ đau lòng xót dạ khi thấy chúng sanh gặp nạn tai. Mẹ Địa Mẫu đã dạy: “Từ ngàn xưa đến nay, Mẹ chẳng hề nhắm mắt, vì nếu Mẹ nhắm mắt, sẽ có nạn lớn liền xảy ra cho các con. Cho dù mệt mỏi đến mấy, Mẹ cũng không thể xoay lưng bỏ mặc, để cho Ma Vương thừa cơ phá nát. Lúc đó, Trời và Đất sẽ trống rỗng trở lại như lúc ban sơ. Cả Trời, Đất, Thần, Thánh và mọi thứ đều bị thiêu rụi giống như trong lò bát quái. Chẳng còn biết đâu là hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Đến chừng đó, muôn loài vạn vật sẽ thành ra tro bụi mà thôi”. 

Các con không biết Mẹ danh tánh thế nào thì hãy lắng nghe cho kỹ đây. Có một Lão Bà, được sanh từ thuở Trời Đất còn mù mịt, hỗn độn. Người đàn bà ấy chính là Mẹ. Lúc đó, Mẹ sống ở đời được 12 muôn kiếp, thọ hưởng 9.600 tuổi. Trong thời gian ở trần thế, Mẹ đã lao tâm khổ trí với muôn ngàn cay đắng để dạy dỗ khuyên răn các con. Đến khi hoàn thành xong mọi việc ở trần gian, Mẹ đành phải từ giã đàn con để trở lại Thiên Đình. Mẹ hóa thân nhanh như chớp, đi vào cõi hư không vô thượng và ngay lúc đó hào quang chiếu rọi khắp thế gian.

Từ trai đến gái, ai cũng đều nhận thọ ơn của Mẹ mà chẳng biết nhớ thương hay nghĩ tới ân sâu của Mẹ, nhưng Mẹ nào có phiền trách các con. Nếu các con thật sự muốn gặp lại Mẹ, thì hãy ráng trì Kinh Địa Mẫu, để tu Hạnh Đạo cho thật tốt. Chờ sau thời mạt pháp vào thời điểm hội Tý hoặc hội Sửu, Mẹ con ta sẽ trùng phùng. Cuốn Địa Mẫu Chơn Kinh này đều là lời chánh truyền của Mẹ thuyết ra, chớ nên nghi ngại mà lạc lầm. Nếu nhà nhà đều biết trì niệm thường xuyên, thì mùa màng sẽ được bội thu, cuộc sống ấm no đầy đủ và hạnh phúc. Chẳng phải lo bị nạn tai dồn dập, mà còn được hưởng thêm tuổi thọ ở dương gian.

Còn nếu chẳng nghe lời Mẹ khuyên bảo, thì Ma Vương sẽ lợi dụng thời cơ ấy mà quấy phá, làm cho mùa màng bị thất bát, cháy rụi, chẳng còn một hột gạo để ăn. Nếu chẳng tin những lời Mẹ dạy bảo, thì sẽ lao vào đại kiếp hỏa phong, nạn ấy vô cùng lớn và rất khủng khiếp.

Đối với các bậc Phật, Tiên, Thánh Hiền mà tu đạo chưa tròn, theo đúng con đường chơn lý trong Kinh Địa Mẫu thì cần phải khiêm tốn, chớ nên khoe tài ở chốn đông người. Còn Quần thần Văn Võ hay những bậc Trí thức, Học giả, Nông gia, Thầy thợ, Thương nhân khi đạt được danh lợi mà quên đi chơn lý trong Kinh Địa Mẫu này, cũng xem như quên hết Ơn Nghĩa của Mẹ.

Nếu các con chẳng biết đền đáp mà bội nghĩa, nghi ngại, không tin chơn truyền nhiệm mầu của Mẹ, cứ tự hành theo ý riêng lại đi sai chánh pháp thì muôn kiếp chẳng thể tái sinh làm người được nữa.”

7. Truyền Bá Kinh

Theo Kinh Địa Mẫu, nếu ai hiểu thấu đáo chơn lý trong Kinh mà muốn truyền bá phổ biến rộng rãi, giúp cho người đời hiểu rõ ý nghĩa thì khi ấy, Mẹ sẽ kiểm tra sự hiểu biết của người được nhận Kinh. Nếu quả thật người này rõ Chơn Lý Diệu Mầu, Mẹ sẽ liền độ ngay cho người truyền bá Kinh, có được tâm sáng suốt và trí tuệ phi thường. Mẹ còn đích thân truyền chơn khí sang, để người con này luôn được thần bảo hộ, thậm chí còn có thể được nhìn thấy chơn thần của chính mình. Nếu người này muốn học đạo, cần chuyên tâm tu dưỡng tâm tính thì mới có được hạnh quả cao. Còn nếu muốn đạt những năng lực ngoại cảm, thần thông thì Mẹ sẽ chỉ dẫn từng bước để con đường Tu Đạo Hạnh được mở rộng.

Đối với người có địa vị cao, hiểu thấu nghĩa Kinh Địa Mẫu mà tạo điều kiện giúp cho người dân hiểu rõ và truyền bá đầy đủ, Mẹ sẽ ban cho con cháu người ấy được hưởng lộc hoàng gia, thiên thu vạn đại. Hay vị phu nhân nào hiểu hết ý nghĩa và phổ biến Kinh Địa Mẫu, thì con cháu đời đời sẽ được thọ hưởng vinh quang phú quý. Đối với những thiện nam tín nữ muốn truyền bá, in Kinh Địa Mẫu cho mọi người được rõ, Mẹ sẽ ban cho người ấy sanh con như nguyện vọng, và luôn có con cháu đời đời nối dõi.

8. Những Ngày Vía Của Mẹ Địa Mẫu

Hàng năm, vào ngày 18/10 âm lịch được chọn làm ngày Vía Giáng Thế, kỷ niệm ngày Mẹ đã Khai Thiên Lập Địa. Ngoài ra, còn có những ngày Mậu, ngày Kỷ hàng tháng cũng là ngày tưởng nhớ về Mẹ. Các nghi thức lễ gồm có Hoa, Quả Trái Cây, 6 ngọn nến, 6 ly nước lọc và 5 nén hương và một cuốn Địa Mẫu Chơn Kinh, trang phục nghiêm trang để tưởng nhớ công ơn Mẹ, đã khai sanh ra muôn loài.

Nếu hướng cho cả nhà cùng trì Kinh Địa Mẫu với sự biết ơn thì người con hiếu nghĩa này có dâng sớ khẩn cầu, Mẹ sẽ chứng giám lòng thành ngay lập tức. Nếu vợ chồng đồng tâm cúng bái, dâng hương mà không bỏ lỡ ngày nào, Mẹ sẽ ban tuổi thọ và cả đời hưởng lộc triền miên. Còn tỉnh hoặc thành phố nào tập trung lập đàn, cúng lễ vào những ngày đó, Mẹ sẽ bảo vệ cho những người nơi ấy được bình an. Đối với quốc gia nào hết lòng lập đàn vào những ngày Vía mà không bỏ sót, Mẹ ban nhiều nhân tài, Thánh nhân hạ phàm để trợ giúp cho người dân nước đó được sáng suốt và tránh được những nạn kiếp.  

9. Lập Công Đức

Nếu ai tin những diễn giải trong Địa Mẫu Chơn Kinh là có thật, muốn đền ơn đáp nghĩa cho Mẹ, thì từ bây giờ phải biết chăm lo thờ phụng, dâng hương chu đáo. Hoặc có thể vẽ, in, thêu thành một bức tranh hoặc đúc ra tượng Mẹ thật nghiêm trang, để mọi người sùng bái tôn kính. “Hãy gắng sức thành tâm, tạo lập công đức tùy theo gia cảnh của mỗi người. Vì Mẹ chỉ chứng lòng thành của các con chứ không quan trọng vật chất. Ở cõi Hư Không Vô Thượng, Mẹ sẽ ghi tên các con trên Bản Ngọc Đề Danh ở Cung Diêu Trì.

Nếu con không sát sanh, hại mạng và luôn có lòng từ bi bác ái với muôn loài thì Mẹ sẽ ban cho con tuổi thọ. Còn nếu con vì Mẹ mà hết lòng tận trung, tận hiếu và luôn nghĩ tới việc đền ơn báo đáp, thì đến ngày con chấm dứt dương thọ ở thế gian, Mẹ sẽ đến đón và ban cho con một tước vị cao sau khi về trời. Mẹ sẽ ban thưởng cho con một tòa sen vàng chín phẩm. Nếu vợ chồng cùng đắc thành chánh quả, sẽ được trở về Trung Ương Thượng Quốc ở cõi trời Đại La kia, một nơi vô cùng an vui, an lạc. Người đời gọi đó là Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.”

10. Ý Nghĩa Niệm Hồng Danh

Câu: “Nam Mô Vô Thượng Hư Không Địa Mẫu Dưỡng Sanh Bảo Mạng Chơn Kinh”. 
Trong đó từ “Nam Mô” có ý nghĩa là Quy Y, “Vô Thượng Hư Không” được hiểu là chân không, ý nói tâm luôn trống không, vắng lặng, không vọng động. “Địa Mẫu Dưỡng Sanh Bảo Mạng” ý nói Mẹ Địa Mẫu đã tạo ra và vun dưỡng muôn loài, nên khuyên chúng ta không nên sát sinh. Còn “Chơn Kinh” là truyền những điều hay lẽ đúng

Từ đó khi niệm hồng danh “Nam Mô Vô Thượng Hư Không Địa Mẫu Dưỡng Sanh Bảo Mạng Chơn Kinh” được hiểu là Hãy trở về làm theo những điều đúng, giữ cho tâm không vọng động, luôn biết ơn Mẹ Địa Mẫu đã tạo ra muôn loài, không sát sanh, hại mạng chúng sanh”.

11. Các Hình Tướng Của Mẹ Địa Mẫu

Vì Mẹ đã phải trải qua biết bao nhiêu khổ hạnh, vun đắp dưỡng thành và dạy dỗ các con, tạo lập công đức vô lượng, nên Mẹ ngự ở tầng thượng tối cao và được danh thơm tiếng tốt, lưu truyền vạn thế.

Nên hình tướng của Mẹ là thiên biến vạn hóa không thể nghĩ bàn, tùy theo tâm tưởng của các con hướng tới Mẹ như thế nào, thì Mẹ sẽ ứng hiện cho phù hợp theo ý niệm đó, cho nên Mẹ mới có nhiều hồng danh khác nhau. Chung quy tất cả những hình tướng đó cũng đều là Mẹ đến để trợ duyên, giúp đỡ cho các con tăng trưởng Đức Tin đối với Mẹ. 

Từ đó, các con mới nghe và làm theo những lời khuyên răn dạy bảo của Mẹ, để giúp cho tâm con được sáng suốt và luôn có lòng từ ái. Bởi khi các con biết tu dưỡng tâm tánh thì con đường trở về bên Mẹ sẽ được gần hơn. 

Chúng con xin thành tâm đảnh lễ và cùng Tạ Ơn Mẹ Địa Mẫu đã giúp đỡ, che chở cho chúng con, có được sự sáng suốt trong tâm linh.

Nam Mô Vô Thượng Hư Không Địa Mẫu Dưỡng Sanh Bảo Mạng Chơn Kinh

Tổng hợp Biên soạn. Lữ Trung Dung

 

QUY TÂM PHÁP

LỜI GIỚI THIỆU

Theo quy luật của tạo hoá, mỗi người ai cũng sẽ trải qua các giai đoạn như tuổi trẻ, tuổi xuân và tuổi già. Nếu đếm ngược, tuổi thọ con người sẽ trừ đi mỗi ngày, chưa kể đến những biến cố xảy ra bất ngờ. Có thể thấy, thời gian còn sống mới là điều đáng quý. Tuy nhiên, hầu như chúng ta thường nghĩ đến sự tức giận, đau khổ và cô đơn của bản thân, mà quên mất chính lòng tham, đố kỵ, ích kỷ mới là nguyên nhân khiến cho tâm bị tổn thương

Nhưng nếu nhìn sâu bên trong tổn thương ấy, sẽ thấy rất rõ tất cả đều xuất phát từ giới cấm tự thân, tức là những giới hạn không chấp nhận, do ta tự đặt ra, để nghiêm cấm bản thân tránh sai phạm và lấy đó làm thước đo chuẩn mực cho chính mình. Thật đáng tiếc nếu ta áp dụng vào người khác vì những thái độ, lời nói và hành động của họ có liên quan tới giới cấm tự thân, để rồi tự mặc định đó là điều sai.

Thì đây, chính là nguyên nhân khiến ta thường xuyên chấp lỗi mà mất dần đi tình thương đối với người, vì phải nhường chỗ cho sân giận bước vào, mà bản thân không biết sẽ bị hao tổn phước báu của chính mình. Ngược lại, nếu càng nghiêm khắc với bản thân thì ta sẽ càng được nhận sự tôn trọng của người khác, vì nhờ mở rộng tâm từ bi mà hạnh đức được tăng trưởng. 

Nhưng điều quan trọng nhất là khi mỗi bên hiểu đúng về giới cấm tự thân, sẽ không khơi dậy sự chấp giận mà còn giúp cho nhau có thêm sự an lạc từ Tâm. Chính vì lòng thương xót với chúng sanh nên Mẹ Địa Mẫu mới truyền pháp Quy Tâm, tức là giúp con đường giác ngộ trở về thiện tánh để hoá giải những sóng gió phiền não trong tâm. Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu về…

QUY TÂM PHÁP

Là Thuyết Chơn Lý của Mẹ Địa Mẫu ban điển và chọn ngày 18 tháng 10 âm lịch năm Canh Tý 2020 (vào ngày Đại Lễ Vía Giáng Thế của Mẹ Địa Mẫu) để ấn truyền ra Kinh này, được Lữ Trung Dung biên soạn và tổng hợp. 

Chính là nhắc nhở chúng ta hãy luôn tưởng nhớ công ơn Mẹ Địa Mẫu đã khai sanh và nuôi dưỡng muôn loài. Đồng thời, chúng ta hãy luôn ghi nhớ Những Lời Khuyên Dạy của Mẹ Địa Mẫu dưới đây, sẽ giúp cho ta chuyển hoá, khai tâm, và mở rộng thiện tánh bên trong mà tự giải thoát tâm mê của chính mình.

Phần I: GIẢI TÂM

Là cách giữ Tâm Bình An, không vọng động. Một khi bản thân tự biết loại bỏ những tư tưởng tiêu cực do ý khởi sanh, thì mới có thể làm chủ được chánh niệm. Sau đây, hãy cùng hành theo 16 LỜI TRUYỀN DẠY CỦA MẸ ĐỊA MẪU để ta có được suy nghĩ lạc quan trong cuộc sống.

1. LỜI NÓI 

Tiếng nói là trời cho, cảm xúc là do mình nên phải tận dụng những lời nói thật có ích và giá trị nhất. Đừng nên lãng phí, nếu dùng nó vào năng lượng xấu của mình. Bởi càng kiểm soát đúng đắn thì trời sẽ ban cho ta những điều quý giá khác.

2. CHIA SẺ

Bằng sự quý mến, tin tưởng và cùng đi chung con đường Thiện. Nếu ta giữ lòng biết ơn, giúp đỡ và nhường nhịn lẫn nhau, thì Ân Trên sẽ khai đường mở lối, giúp cho ta sớm được tới đích viên mãn. 

3. NGHỊCH DUYÊN

Không nên chứng minh ai đúng hay sai, mà hãy xem khi ấy, tâm ta có tức giận hay không. Bởi càng nóng giận, phước báu sẽ càng mất vì đã khơi dậy ý niệm ác. Nên trừ khi ta hiểu rõ và vượt qua cố chấp của mình, tự sẽ không còn nhìn thấy nghịch duyên nào nữa.

4. TỔN THƯƠNG

Là một căn bệnh, rất dễ tái phát nên khi càng động, vết thương sẽ càng đau. Nhưng nếu nhìn vết thương ấy, với một thái độ của người Bác sĩ quan tâm tới bệnh nhân, thì tự biết cách điều trị cho mình, được sớm khỏi. Bởi mọi kết quả tổn thương, cũng đều do tâm tưởng của ta mà sinh ra.

5. TÌNH THƯƠNG

Là biết dùng tâm từ bi của người Mẹ, để đối đãi với người đã làm cho ta tổn thương. Không những tạo được phước báu vô cùng lớn, mà còn giúp ngày sau của ta, trở nên an vui và hạnh phúc.

6. TĨNH 

Chính là đánh thắng tất cả giác quan của mình, để cho tâm không vọng động hay bị lối kéo từ các hình tướng bên ngoài. Bởi khi ta mất kiểm soát thì giông tố sẽ kéo tới. Vì thế, hãy kiên nhẫn, luôn giữ tâm làm gốc mà quán chiếu chính mình. Có như thế, mới vượt qua thử thách để đạt được những thành tựu xứng đáng.

7. HỒI HƯỚNG 

Là khi ta cảm nhận sự đau khổ của chúng sanh, đang bị nạn mà không phân biệt, tự phát lòng yêu thương bằng cái tâm trong sáng, và muốn nhường phước báu của mình, để che chở cho họ vượt qua cơn nguy kịch. Bởi nhờ có lòng từ bi, đã giúp cho ta, tái tạo thêm công đức vô lậu.

8. ĐẠO PHÁP

Giống như một chiếc áo khoác, nếu ta mặc vào sẽ thấy an tâm khi bước ra ngoài. Nhờ có sự che chắn, mà giúp cho thân ta, tránh được những chất gây hại vô hình. Thế nên, người truyền pháp muốn có thành quả, phải giữ cho tâm thật sáng suốt, không chấp giận thì mới vượt qua được thử thách của Ân Trên.

9. ĐỨC TIN

Là niềm tin tuyệt đối với Ân Trên, phải luôn biết ơn và tôn kính. Bởi đó là nguồn gốc, giúp ta tin sâu vào luật Nhân Quả. Vì vậy, nếu muốn người thay đổi thì bản thân phải hành được phẩm hạnh Từ Bi Trong Sáng, để họ nhìn thấy giá trị hoàn thiện trong ngoài của ta.

10. MÊ TÍN

Là điểm khởi phát từ ý tham muốn, và hiểu sai lệch trong tâm linh, mà dẫn tới những hành động bất chấp, tin theo một cách mù quáng. Nên phải phân định, Đức Tin khác với Mê Tín ở chỗ, là tự nhìn thấy lỗi của mình mà biết sửa và tin vào sự lương thiện, sáng suốt mới giúp ta thay đổi được vận mệnh. 

11. NHÌN

Mọi sự việc bằng Tâm để cảm và thấu hiểu cho người thì đó mới là ánh sáng của Chánh Pháp. Còn nếu nhìn thấy lỗi của người mà chấp giận, thì chính ta đã tự đưa mình vào biển khổ của Ma Vương. Bởi nơi đó, chỉ có đau thương và mất mát.

12. TỰ TRỌNG

Là một giới hạn do ta tự đặt ra, muốn để người khác phải tôn trọng. Đó cũng là một điểm sáng giúp cho ta có được may mắn. Nhưng, nếu ta dồn cảm xúc quá mức thì sẽ khơi dậy cái gốc của chấp giận, và dần làm tổn hại phước báu bởi lòng tự ái của chính mình.

13. LÒNG THAM

Là đến từ những quyền lợi, ích kỷ của bản thân, nên không tự nhiên mà nó khiến cho ta lâm vào đường cùng, lạc lối. Tất cả, đều do sự chứng tỏ thiếu sáng suốt, làm mất đi con người thiện bên trong ta. Chỉ cần, đánh thức Lòng biết ơn và Đức hy sinh thì sẽ giúp ta toàn thắng trở về.

14. KHOAN DUNG

Là sự độ lượng, luôn có lòng vị tha với người để tâm ta trở nên trong sáng và quý giá như viên ngọc Minh Châu, bởi đó mới chính là thần dược giúp cho bệnh lý của ta. 

15. NHẬN LỖI 

Là tự thấy mình sai mà muốn được sửa, nên lời xin lỗi thành tâm không những làm cho người xoá hết lỗi của ta, mà còn giúp họ thấy được lỗi của mình. Chính nhờ đức tính khiêm tốn và khiêm nhường, mới giúp phước báu của ta không bao giờ cạn. 

16. GIẢI TÂM

Là dùng lời nói giá trị, chia sẻ với người nghịch duyên, tránh tổn thương họ để gắn kết tình thương bằng sự tĩnh trí. Nên khi hồi hướng phải hết lòng vì Đạo Pháp, cùng phát triển Đức Tin mà diệt trừ Mê Tín. Chỉ cần nhìn vào tự trọng, dừng lòng tham, biết khoan dung và nhận lỗi thì mới giải thoát Tâm ma của chính mình.

Phần II: BUÔNG CHẤP

Là cách Buông Bỏ Phiền Não để bản thân tránh bị tổn thương từ những lời nói, thái độ, hành động của người, mà khiến mình mất đi công đức. Bởi tất cả đều do sự cố chấp nên mới khiến ta tức giận mà sanh ra lòng ích kỹ. Vì vậy, hãy nhớ tới 16 LỜI MẸ ĐỊA MẪU KHUYÊN DẠY BUÔNG CHẤP, sẽ dẫn tâm tìm lại sự bình yên. 

1. LỜI HỨA

Là thể hiện giá trị nhân phẩm, cho dù không có ai kiểm chứng hay hối thúc, nhưng lời nói của ta đã lưu lại ở Tâm Linh. Nên đừng vì lý do nào, mà chối từ sự mong đợi của Người. Bởi càng thất hứa, càng giảm đi phước báu của mình. Chỉ cần gắng sức làm tròn thì may mắn tích luỹ sẽ được nhân đôi. 

2. TÌNH CẢM

Là biết chia sẻ tình thương và sự thấu cảm, sẽ giúp cho Tâm ta thu vào những năng lượng tích cực và bình an. Một khi để mất cảm xúc ấy, bản thân chỉ còn lại tư tưởng tiêu cực và bi quan. Thế nên cần phải tự cảm hoá chính mình bằng lòng biết ơn đối với Người.

3. DUNG HOÀ

Là cách hoá giải để xoá tan nghịch cảnh, bởi chúng đến chỉ muốn thử lòng bao dung và từ ái của ta. Nên hãy buông bỏ oán giận, mà giúp cho nỗi đau sớm được rút ngắn. Vì càng giữ tâm cố chấp, sẽ càng đẩy mình đến với sóng gió của phiền não.

4. QUAN TÂM

Là chìa khoá giao tiếp giữa ta với người vì khi đủ yêu thương, sẽ giúp cho bản thân được an vui. Bởi thế, chớ nên xem nhẹ hay dồn cảm xúc quá mức mà khiến cho Tâm bị tổn thương để rồi tự mang đến sự khổ đau cho chính mình.

5. THẤT TÍN

Là bản sao của lời nói dối, có thể chưa thấy sự trừng phạt nào vào thời điểm ấy, nhưng chắc chắn sẽ nhận lại bằng sự vô cảm. Bởi chính vì, không giữ chữ tín và thiếu tình thương với người mà khiến cuộc đời ta, cứ mãi buồn phiền và bất an. Nên hãy nhớ, chân thành mới là điểm tựa của hạnh phúc.

6. TRÍ 

Có được là nhờ ơn ân trên ban thưởng vì những phúc báo trong quá khứ của ta. Vậy nên, muốn có được sự sáng suốt, cần phải giữ tâm tĩnh lặng, không vọng động, sẽ giúp cho Thiện tánh trở về. Còn nếu để lòng tham và hận thù lấn át thì chính mình đang dẫn lối cho Ma vương. 

7. THÀNH TÂM

Là mật mã bước vào con đường Thiện, giúp ta nhận ra những việc sai phạm trong quá khứ mà biết quay đầu hồi hướng để một lòng tạo dựng công đức vì muốn bù đắp lỗi của mình. Chính nhờ sự thành tâm ấy, sẽ hoá giải cho nhân duyên đôi bên sớm được xoay chuyển.  

8. NHÂN QUẢ

Là lời giải đáp, giúp tâm hướng về Đạo Pháp mà hoàn thiện chính mình. Nếu thấy rõ bản thân đang hạnh phúc hoặc bị tổn thương, thì phải biết đó là Quả của ta. Nhìn vào đó, hãy gieo những lời nói chân thành, học cách lắng nghe, chia sẻ để hiểu đối phương nhiều hơn. Có như thế, tương lai mới nhận được phần thưởng xứng đáng.

9. NGHIỆP XẤU

Là căn bệnh rất nguy hiểm, bởi độc tính cực mạnh nên dễ phá huỷ đến lục phủ ngũ tạng, thậm chí có nguy cơ mất mạng. Tất cả những hậu quả đáng tiếc ấy, đều xuất phát từ sự chấp giận của ta. Vì vậy, hãy giữ lấy Đức Tin mà kiên nhẫn điều trị, sẽ giúp nghiệp xấu sớm được tiêu trừ.

10. VIỆC THIỆN

Là bài thuốc quý xoá tan mưu cầu lợi ích cho bản thân và cũng là công thức diệt trừ Mê tín. Bởi không có một may mắn nào tự đến nếu thiếu đi sự nỗ lực, phấn đấu trong thử thách. Đừng bao giờ để lòng đa nghi xen lẫn vào việc thiện, vì nó sẽ làm rào cản phá hoại phước báu của ta.

11. CÔNG ĐỨC

Là thành quả đạt được nếu loại bỏ những tư tưởng tiêu cực có trong thử thách để nhất tâm hướng thiện. Nên nhớ mỗi khi hết lòng chia sẻ với ai, cần phải biết quên đi bởi lỡ như nhìn thấy sự vô ơn của người mà sân giận thì công sức gieo trồng phước báu bấy lâu của ta đã tan mất.

12. TÌNH BẠN

Là những bài học giá trị, giúp cho ta có thêm kiến thức, cũng giống như một quyển sách, phải xem và nghiền ngẫm thì mới biết cái hay, cái dở. Bởi mỗi người là một trang mới, đọc hết trang này sẽ sang trang khác. Nên đừng để lòng tự trọng hay đố kỵ mà che lấp thiện tánh của chính mình. 

13. KHỔ HẠNH

Là cách kiểm tra sự kiên nhẫn về lòng tham của ta. Nếu bản thân đón nhận không than vãn, mà vẫn chịu tổn thương tinh thần hoặc thiếu thốn vật chất ở hiện tại. Thậm chí, còn kéo dài trong tương lai thì khổ hạnh ấy sẽ được chuyển thành Phước Báu tích lũy cho mai sau.

14. LÀM PHƯỚC

Đừng vì danh tiếng hay tiền bạc, bởi đó là một cách biến hình của lòng ích kỷ, nên sẽ rất khó cho ta có được cái kết viên mãn. Hãy giữ ý niệm thanh tịnh, lời nói ôn hoà, khiêm tốn, biết khoan dung mà nghĩ tốt cho người thì chắc chắn may mắn sẽ được hồi sinh. 

15. NÓNG GIẬN

Là cách đốt phước, giảm đi công đức nhanh nhất. Nên càng để tâm vọng động, sẽ càng khơi dậy những đau khổ và phiền não quanh ta. Hãy nhớ không có một phương pháp nào, giữ tâm an lạc tốt hơn bằng tự nhận lỗi với chính mình. 

16. BUÔNG CHẤP

Đừng vì câu nói hay lời hứa, mà đặt quá nhiều tình cảm, nên biết dung hoà, quan tâm, sẽ không thấy người thất tín. Muốn trí sáng, cần phải thành tâm, tin sâu nhân quả, tránh nghiệp xấu, tăng việc thiện, tạo công đức. Hãy nhớ tình bạn từng chung khổ hạnh, gắng sức làm phước giúp nhau, diệt nóng giận để phúc báo ngày sau được trọn vẹn. 

Phần III: THẬP LỤC GIỚI

Là gồm 16 Giới Cấm Luật Nhân Quả giúp cho bản thân tự kiểm soát và dừng lại ý niệm xấu mà nhất tâm hướng đến con đường trở về Giác Tánh. Thế nên, hãy cùng nhau thực hành theo những lời khuyên dạy của Mẹ Địa Mẫu trong THẬP LỤC GIỚI sẽ cho ta có được cuộc sống an nhiên, hạnh phúc.

1. KHÔNG SÁT SANH

Bởi mọi chúng sanh muôn loài, ai cũng có thân quyến, biết đau đớn và sợ chết như nhau. Dù là một con kiến nhỏ cũng đều sanh khởi lòng oán hận khi bị sát hại. Vì Quả xấu, sẽ khiến cho tâm trí u tối mà lâm vào cảnh gia đạo chia cách, bệnh đau khó trừ, chính là để ta thẩu hiểu sự thống khổ của họ.

2. KHÔNG TRỘM CƯỚP

Tiền tài, vật chất và tình cảm người khác hoặc đừng vì lợi nhuận kinh doanh mà để bản thân phạm vào Lòng Tham. Bởi ai cũng lao động bằng mồ hôi công sức, thậm chí họ phải chịu nhiều gian khổ mới có được thành quả. Nên nhớ, những hành động ấy, sẽ khiến cho ta bị mất đi tài sản, ngay cả hạnh phúc của chính mình.

3. KHÔNG TÀ DÂM

Chính là thoát ly cảnh Địa Ngục. Vì thế, đừng dùng những từ ái ngữ hay hành động để tán tỉnh, quyến rũ người khác giới nếu một trong hai đang có đôi. Bởi đây là Cuộc Thi Rèn Tâm nên hãy nhớ càng giữ được ý niệm thanh tịnh, trong sáng thì sẽ càng giúp ngày sau của ta có được tổ ấm viên mãn và hạnh phúc. 

4. KHÔNG NÓI DỐI

Là giúp bản thân tránh phạm vào nghiệp thị phi, dù xuất phát từ thiện ý, cũng không nên bịa chuyện, hay nói qua loa để tạo lòng tin cho người. Đồng thời, hãy cẩn ngôn với những lời vu oan, bôi nhọ hoặc giả danh Ân Trên. Bởi tất cả những điều này, sẽ khiến cho sức khỏe, thậm chí mái ấm của ta không được bình yên.  

5. KHÔNG BIA RƯỢU 

Với những chất cấm gậy hại cho cơ thể, bởi càng lạm dụng chúng quá mức, sẽ càng làm cho tâm tánh thay đổi mà thiếu sáng suốt, thậm chí mất kiểm soát trong giao tiếp. Chính vì điều ấy, không những khiến người xa lánh ta, mà còn đẩy bản thân sa vào con đường tội ác, ngay cả tương lai phải chịu cảnh đau bệnh, nghèo khó.

6. KHÔNG LÕA THỂ

Bởi khi y phục càng kín đáo, sẽ càng tăng giá trị bản thân và nhận được sự tôn trọng trong mắt người khác. Vì vậy, đừng nên cố tình khiêu gợi những phần nhạy cảm trên cơ thể, để cho họ khởi tâm mê sắc mà ngày sau ta phải chịu tiếng thị phi và cảnh phân ly, thậm chí còn giảm đi tuổi thọ của chính mình. 

7. KHÔNG ĐỎ ĐEN

Là con đường thoát ly cảnh khổ, vì nếu sa chân vào nó, không chỉ đánh mất thiện cảm của người, mà còn gánh chịu rạn nứt tình cảm gia đình. Đừng để cơn mê làm hủy hoại hạnh phúc chính mình. Bởi thành công nào, cũng đều phải trải qua sự kiên trì, cố gắng và vượt qua thử thách, mới giúp may mắn đến gần với ta.

8. KHÔNG LÃNG PHÍ 

Từ lương thực, thức ăn cho đến những vật dụng khác đang có trong Quả Địa Cầu này. Bởi tất cả là đều nhờ ơn của Mẹ Địa Mẫu và Ân Trên đã ban phát tình thương cho chúng sanh. Vì thế, đừng nên chê khen hay lãng phí của cải cá nhân hoặc tổ chức, để tránh tương lai ta không phải chịu cảnh thiếu thốn, nghèo khó. 

9. KHÔNG COI THƯỜNG

Bởi bất kỳ ai cũng đều có quyền bình đẳng như nhau, không nên phân biệt giàu nghèo, cao thấp. Vì điều đó, chỉ khiến cho họ căm ghét và chế nhạo, nói xấu sau lưng ta, chưa kể đến cuộc sống mai sau, còn phải chịu nhận sự khinh miệt, cô độc. Thế nên, biết tôn trọng người khác chính là đang giữ phẩm hạnh cho chính mình.

10. KHÔNG ÍCH KỶ

Mới mở rộng Tâm bao dung, và nếu ta càng nhiệt tình trong sáng thì sẽ càng giúp mình nhận nhiều sự quan tâm, quý mến từ người khác. Vậy nên, đừng so đo tính toán hay nghĩ lợi ích cho bản thân, mà hãy bỏ đi sự đa nghi, đố kỵ và cố chấp để bản thân ngày sau không rơi vào cảnh cô quạnh và đau khổ.  

11. KHÔNG KHOE KHOANG

Là đang giữ tròn phúc báo trời cho, nhờ những công đức trước kia đã từng gieo trồng. Nhưng nếu bản thân vì muốn khoe tài, của cải vật chất hay hạnh phúc mà khiến người phải sanh lòng đố kỵ thì chính mình đang mắc tội Cống Cao Ngã Mạn. Nên chắc chắn Ân Trên sẽ thu hồi may mắn ấy, để ta học lại sự khiêm tốn.

12. KHÔNG CHẾ GIỄU

Không mỉa mai hay đùa cợt điểm khuyết của người, cho dù là một câu nói vui hoặc khởi ý nghi ngờ với những ai đang muốn chia sẻ tín ngưỡng bằng sự chân thành, đều khiến bản thân rơi vào tội khinh miệt trong Tâm Linh. Bởi mỗi khi càng gợi lại, ta sẽ càng mất đi công đức, thậm chí giảm trừ tuổi thọ của chính mình.

13. KHÔNG PHÊ PHÁN

Bởi ta không thể hiểu rõ, được hoàn cảnh và tâm lý của những người trong cuộc đã từng trải qua tổn thương hoặc phải cố gắng như thế nào. Nên đừng luận đúng sai, tốt xấu hay khen chê vì đó chỉ là một phần sự thật bên ngoài. Từ đó, hãy mở lòng thương cảm đối với họ, mới giúp mình tránh quả thị phi về sau.

14. KHÔNG LY GIÁN

Là cách bảo vệ gia đình tránh cảnh bị phân ly, bởi càng giúp người hoá giải hận thù thì chính mình sẽ càng nhận được hạnh phúc. Thế nên, đừng kể xấu về đối phương, hay dùng những lời nói chia rẽ tình cảm, để không phạm vào Khẩu Nghiệp. Vì đó là nguyên nhân khiến cho mái ấm hoặc bản thân ta không lúc nào bình yên. 

15. KHÔNG CHỬI RỦA

Sẽ giúp cho bản thân, không phạm vào tội phỉ báng. Bởi nếu cố tạo thị phi để hạ thấp nhân phẩm của người, mà khiến họ phải tổn thương, đều khiến ta bước vào con đường tăm tối. Đôi lúc nổi khổ ấy, đến từ chính những người mình yêu thương nhất, thậm chí về sau còn phải gánh chịu đau bệnh và tổn thương về tinh thần.

16. KHÔNG CỐ CHẤP

Chính là Quy Tâm, bởi khi bản thân không còn nhìn thấy lỗi của người, mà chỉ muốn được sửa mình nên càng biết sám lỗi và hồi hướng đến với tất cả chúng sanh thì sẽ càng tăng trưởng công đức vô lượng. Nhờ đó, sẽ hoá giải tâm cố chấp, phiền não, mới càng giúp cho ta nâng bước tiến trên con đường Học Đạo Giác Ngộ. 

Phần IV: TỰ SÁM LỖI

Là cách Quán Chiếu Tâm để cho ta nhìn lại mà biết sửa lỗi của mình. Điều ấy, không những diệt trừ đi nghiệp xấu mà còn gieo trồng thêm phước báu. Vì vậy, hãy tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày, phải hành trì theo 5 LỜI KHUYÊN DẠY TỰ SÁM LỖI của Mẹ Địa Mẫu, sẽ giúp cho ta hoàn thiện Tự Tánh.

1. CHẤP LỖI NGƯỜI

Không chỉ làm cho bản thân giảm đi thiện tánh, mà còn bộc phát ma tâm của chính mình. Bằng những lời nói, thái độ, hành động tức giận mất kiểm soát khiến người bị tổn thương về mặt tinh thần hoặc khuyên bảo họ phải thay đổi. Có thể đến từ thiện ý, nhưng ta sẽ dễ phạm vào lỗi nóng giận, cố chấp trong luật nhân quả. 

2. NHÌN LỖI MÌNH

Là khi bản thân tự nhận thấy từng lời nói, thái độ, hành động đã làm sai với người. Vì sợ nhân quả, mà trong lòng muốn dừng ngay những việc làm xấu. Nhờ vậy mới chuyển hoá tâm, có sự bình an trở lại nhưng nếu tiếp tục không nhìn ra lỗi của mình, sẽ khiến cuộc sống quanh ta cứ mãi gặp nhiều sóng gió phiền não.

3. BIẾT HỐI LỖI

Là lúc bản thân tự biết buồn và day dứt mỗi khi nghĩ tới những người bị ta nói xấu hoặc từng trực tiếp chịu nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác. Thậm chí, khiến cho họ tổn thương đến mức, phạm phải điều sai khác. Nếu ta biết hối lỗi, không những giúp mình tăng trưởng lòng từ, mà còn nhận được sự an lạc nơi Tâm.

4. CÁCH SÁM LỖI

Là tự mình thấu cảm nỗi đau của người đã từng bị ta làm tổn thương, khiến lương tâm phải đau xót mà muốn bù đắp cho họ. Từ đó một lòng hướng thiện, giúp đỡ chia sẻ tinh thần, vật chất để hồi hướng đến tất cả chúng sanh đang bị đoạ nghiệp và những hương linh chưa siêu thoát. Nhờ vậy, sẽ được tăng trưởng phước báu.

5. TỰ SÁM LỖI

Là lời hứa tự nguyện trong Tâm Linh, giúp ta xa lìa tội ác và biết chấp nhận Quả Đắng sẽ đến với mình vì những lỗi lầm đã gây ra ở quá khứ. Nên hãy nhớ, đọc kinh chính là làm sạch ý niệm tà kiến, để dưỡng nuôi chơn tánh. Từ đó, siêng năng hành thiện, bồi đắp công đức mới giúp nghiệp xấu được giảm trừ.

Phần V: HẠNH BIẾT ƠN

Là một Đức Hạnh sẽ giúp cho bản thân có sự Khiêm Cung, Hữu Lễ, để đối đãi với người mà ta từng thọ ơn. Thậm chí, phải khắc cốt ghi tâm và nhớ ơn những bậc Đấng Tối Cao Trong Tâm Linh. Bởi điều đó, không những sẽ hình thành nên giá trị Đạo Đức, nhân cách mà còn giúp cho tự tánh được sáng suốt. 

Sau đây, hãy cùng hành theo 9 LỜI KHUYÊN HẠNH BIẾT ƠN của Mẹ Đia Mẫu, để biết cách ứng xử đến với những vị ân nhân trong cuộc đời ta.

1. TÔN KÍNH ÂN TRÊN

Chính là tưởng nhớ công ơn các bậc Đấng Tối Cao, đã che chở và ban phát tình thương cho chúng sanh. Thế nên, khi đảnh lễ, ta hãy nhất tâm quán niệm, kính cẩn đối với Ân Trên và hành theo lý Chơn Kinh. Nếu được chứng lòng thành, sẽ giúp tâm khai sáng trí huệ, phát triển Đức Tin, mới giảm trừ nghiệp tội của chính mình.
 
2. TÔN THỜ TỔ TIÊN

Là hướng về nguồn gốc bằng sự tri ân thành kính đến với đời trước đã có công khai mở và dạy dỗ con cháu hiểu giá trị Đạo Đức. Chính vì lòng biết ơn, mà nguyện nhất tâm hồi hướng, cầu xin cho cửu huyền thất tổ trong gia tộc sớm được siêu thoát thì những công đức trước kia của tổ tiên sẽ trả về cho ta.

3. KÍNH TRỌNG ÔNG BÀ

Là cách ta thể hiện sự tôn trọng và kính ơn ông bà đã yêu thương chăm sóc. Vì vậy, bản thân phải biết lễ phép và hiếu đạo, để thời gian còn lại, họ được sống trong niềm an vui sum vầy. Không những, sẽ tự lưu giữ hồi ức đẹp mà còn nhận lại tâm đối đãi ân cần từ con cháu ngày sau của chính mình. 

4. HIẾU KÍNH CHA MẸ

Là phận sự Đạo Làm Con, bởi ta được thân người này, cũng nhờ ơn Cha Mẹ sinh thành và nuôi dưỡng. Nên chẳng điều gì có thể so sánh hay quan trọng hơn cả. Vì khi càng toàn tâm hiếu thảo, lo lắng, chu toàn không than vãn thì tương lai của mình, sẽ càng được ấm no hạnh phúc, thậm chí đời sau hết mực tôn kính.

5. ĐOÀN KẾT QUYẾN THUỘC

Là cách quan tâm của bản thân đối với gia đình. Bởi anh, chị, em, họ hàng cũng đều có chung một nguồn gốc ông bà, cha mẹ ta. Nên nếu biết nghĩ đến họ, chính là đang gián tiếp báo đáp công ơn sanh thành vì tổ tiên. Và khi càng đoàn kết, yêu thương sẽ càng giúp gia đạo mình ngày sau được sum vầy, bình yên. 

6. NHỚ ƠN THẦY CÔ

Là nhắc nhở bản thân nhìn lại, khi ta có nghề nghiệp, kiến thức hay tầm sư học đạo như hôm nay. Chính đều nhờ, công khuyên dạy và chia sẻ những kinh nghiệm từ họ, mới giúp cho mình tự thấy được giá trị để tiến vào tương lai phía trước. Vì thế, đừng bao giờ lãng quên để ngày sau tránh bị sự vô ơn của người. 

7. BIẾT ƠN VỢ / CHỒNG

Là Đạo Đức Hôn Nhân, bởi vợ chồng đều là người ơn của nhau. Khi hoạn nạn khó khăn, họ cùng đồng hành, động viên, chia sẻ với ta bằng tâm yêu thương. Cho dù tính cách trái ngược nhưng cũng nằm trong sự sắp đặt của Ân Trên nên hãy nhớ giữ lễ cung kính, mới vượt qua thử thách, để giúp chính mình tìm về hạnh phúc.

8. TRÂN QUÝ ĐỒNG HỮU

Bởi bất kể mỗi người bạn, dù có giá trị khác nhau nhưng đều cho những bài học khai thị quý báu để quy nạp thêm kiến thức và kỹ năng. Nên hãy nhớ, nếu nhận sự giúp đỡ nhỏ nhất thì bản thân cũng không được phép quên ơn. Vì điều đó, càng làm tăng giá trị nhân cách, đạo đức của mình trong ánh mắt người khác. 

9. TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC

Là cách ứng xử văn minh trong giao tiếp, không chỉ giúp bản thân ta có được sự khiêm cung mà còn tăng thêm lòng quý mến từ người khác. Vì vậy, càng biết hữu lễ, kính trên nhường dưới, sẽ càng tôn lên giá trị Đạo Đức. Thế nên, hãy trân trọng và biết ơn với đối phương thì ta mới giữ tròn phước báu của chính mình.

Phần VI: PHÁP LẮNG NGHE

Được cho là một Phẩm Hạnh Cao Quý vì sự khiêm nhường và quan tâm đối với người khác. Không những để ta có thể thấu hiểu được đối phương nhiều hơn, mà còn giúp cho bản thân diệt trừ Tâm Cao Ngạo. Đặc biệt, sẽ nhìn thấy sự từ tốn ở bên ngoài lẫn bên trong của chính mình. Đây là phương pháp học Đạo để thuần phục Tâm. 

Từ đó, Mẹ Địa Mẫu đã truyền dạy 4 PHÁP LẮNG NGHE, giúp cho ta Thức Tâm, Tĩnh Trí mà nhìn rõ mọi việc trong tình thương. 

1. TĨNH TÂM

Là cách kiểm soát lời nói, thái độ và hành động của bản thân đối với người. Nếu ta phạm vào giới cấm thì ánh mắt, cử chỉ của họ, sẽ là thông điệp giúp cho mình nhìn lại mà tự điều chỉnh. Bởi người học Đạo phải thường lắng nghe, không phân biệt, thậm chí chấp nhận thị phi, mới vượt qua được cuộc thi khảo sát Tâm. 

2. QUÁN CHIẾU

Là hướng vào bên trong tự tánh, để rà soát những lời nói, thái độ và hành động của mình, mà biết cách bảo vệ cho Tâm tránh vọng động, hay chấp giận. Một khi ta nhìn rõ được nguồn gốc, mọi hậu quả sự việc xảy ra, sẽ giúp cảm xúc dần trở về trạng thái vô ưu. Thì đó, chính là tiếng lòng của Hạnh Từ Bi. 

3. TUỆ GIÁC

Là đánh thức được cơn mê của Học, Trí, Tri, Kiến, Tâm, bởi nếu bản thân càng quá phân biệt thì sẽ càng giảm tình thương ở nơi ta. Nên đừng để lòng Cao Ngạo dẫn lối vì không chỉ mất đi sự sáng suốt mà còn tăng thêm nỗi khổ cho chính mình. Hãy nhớ khi càng Tĩnh Lặng mới thấu rõ, tất cả đều là Ảo Vọng.

4. CẢM THÔNG

Là biết quên đi cảm xúc bản thân, để đặt ta vào vị trí của người khác. Có như thế, mới thông suốt được tư tưởng mà tự diệt bỏ những chấp chước cái tôi của chính mình. Thế nên khi thấu hiểu vì họ, không những Trí càng sáng mà còn sẽ giúp cho tự tánh ngày càng thoàn thiện, đều là nhờ vun dưỡng tâm yêu thương.
Chúng con, xin thành tâm đảnh lễ tri ân và tạ ơn Mẹ Địa Mẫu đã ban phát lời vàng, giúp cho chúng sanh khai mở tâm trí mà bước qua con đường tăm tối để tìm lại ánh sáng của Đạo Pháp. 

LỜI TRI ÂN

Từ nay, hãy cùng nhau học theo pháp Quy Tâm Mẹ Địa Mẫu để giúp cho con đường thiện tánh trong sáng được trở về bên Mẹ. Vì vậy, cần quán chiếu và thường xuyên nhắc nhở bản thân tránh phạm vào Thân, Khẩu, Ý mỗi khi giao tiếp ứng xử. Nhưng nếu ta có lỡ phạm phải thì hãy nhớ lại những lời khuyên dạy của Mẹ Địa Mẫu để hành trì Sám lỗi mỗi ngày, sẽ giúp cho thiện tánh bên trong được rộng mở tình thương, có như thế Tâm ta mới nhận lại sự an lạc và hạnh phúc. 

Đồng thời, Lữ Trung Dung xin phép kính tặng đến Quý Thiện Nhơn và Quý Đạo Hữu hai bài thơ ngắn. Đó là Biết Người và Vô Thường để ta cảm nhận sâu sắc mọi việc trong sự an nhiên, mà tự tìm cách chữa lành vết thương nội tâm cho chính mình. 

Bài thơ thứ 1:
BIẾT NGƯỜI

Biết người không khéo trách làm gì
Biết người vô tâm giận hờn chi
Biết người hay nóng đã mất khôn
Hà cớ trong lòng phải vấn vương
Mà sao không để tâm an nghỉ
Để mỗi ngày sống trọn yêu thương.

Bài thơ thứ 2:
VÔ THƯỜNG

Đời người vô thường như mộng mị
Tỉnh sầu thức dậy chẳng thấy chi.
Người đến trần gian đã lẻ loi
Khi lìa trần thế cũng đơn côi

Cớ sao còn sống, phải ganh giận
Để lòng nặng trĩu mãi buồn đau
Đừng nên cố chấp mà thêm tội
Buông gánh lo đi tự nhẹ thôi

Hãy nhớ trở về Quy Tâm Pháp
Mới thoát bến Mê chốn bụi trần
Nhân sanh sẽ sống trong cực lạc
An vui thái bình cõi Tây Phương

Lữ Trung Dung  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *